9 loại gạch 'hợp mốt' cho từng phong cách nhà ở

1. Gạch thẻ

Gạch thẻ được ứng dụng cho bếp.

Gạch thẻ được ứng dụng cho bếp. Ảnh: Combo Home

Gạch ốp lát cho không gian kiến trúc nội, ngoại thất ngày càng bùng nổ về các ý tưởng, chất liệu, kích thước và màu sắc. Trong số đó có gạch thẻ. Trước đây, loại gạch này vẫn được sử dụng rộng rãi ở phần ngoại thất nhiều với tên gọi như gạch thẻ xây dựng, gạch xây dựng hoặc gạch chỉ. Gạch thẻ thường được dùng để xây tường, rào... trong các công trình xây dựng và nhà ở.

Hiện tại, gạch thẻ được các kiến trúc sư (KTS) ứng dụng vào thiết kế nội thất, làm điểm nhấn với tên gọi gạch thẻ trang trí. So với gạch thẻ xây dựng, gạch thẻ trang trí có mẫu mã đa dạng, màu sắc được nghiên cứu tinh tế hơn như khoác một chiếc áo mới vào không gian sống. Chúng tập trung chủ yếu vào yếu tố thẩm mỹ, do vậy thường xuyên được biến đổi, cải cách để làm mới trải nghiệm không gian. Đặc biệt, kiểu gạch này còn tạo ra hiệu ứng về cảm xúc, chiều sâu thị giác và chiều cao trong một căn phòng.

2. Gạch giả cổ

Gạch giả cổ ứng dụng cho biệt thự nghỉ dưỡng, tạo điểm nhấn cho mặt tiền.

Gạch giả cổ ứng dụng trong biệt thự nghỉ dưỡng, tạo điểm nhấn cho mặt tiền. Ảnh: Instagram

Gạch giả cổ lấy cảm hứng từ các viên gạch cổ. Chúng có những đường nét thô mộc, nhiều màu sắc loang lổ giống như đã được sản xuất từ lâu. Loại gạch này có nét đẹp hoài niệm, vẻ phong trần, mộc mạc tạo sự độc đáo riêng cho các công trình phong cách cổ kính hay những chủ nhà muốn có trải nghiệm về giá trị thời gian.

Gạch giả cổ được cấu tạo từ thành phần đất nung nên đạt đến độ cứng và độ bền vượt trội, tránh các tác động bị hư hỏng, khả năng chịu nhiệt tốt, giúp điều hòa không khí trong phòng, khiến đông ấm hạ mát. Gạch giả cổ còn có hiệu quả chống thấm ẩm, ngăn chặn bị nhiễu ẩm, thấm nước, nhất là mùa mưa làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, giúp bảo vệ tường nhà tối ưu. Nó còn được ứng dụng để ốp nội thất và ngoại thất. Ngoài ra, những viên gạch mới được sản xuất bởi công nghệ tiên tiến giữ công năng chống trơn trượt, màu sắc hài hòa.

3. Gạch vảy cá

Gạch vảy cá dễ vệ sinh và tạo sự thu hút thị giác cho bếp.

Gạch vảy cá dễ vệ sinh và tạo sự thu hút thị giác cho bếp. Ảnh: Combo Home

Gạch có hình dạng đặc biệt, được mô phỏng từ hình dáng của vảy cá. Với tên gọi và cấu tạo đặc trưng, đây là dòng gạch trang trí cao cấp thường được các KTS cho vào làm điểm nhấn trong bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh... Với màu sắc đa dạng, chúng sẽ tạo nên hiệu ứng độc đáo, đặc biệt cho ngôi nhà với phong cách Indochine điển hình.

4. Gạch trang trí hình lục giác

Ảnh: Ebay

Gạch lục giác tạo điểm nhấn cho phòng khách. Ảnh: Ebay

Cũng như gạch vảy cá, gạch lục giác có hình thù đặc trưng, mang đến vẻ đẹp nổi bật cho căn nhà. Gạch này dùng làm điểm nhấn trang trí ở các khu vực nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng khách, phòng ngủ... Với hình dáng đặc biệt, nó không chỉ khiến cho bức tường bớt nhàm chán mà còn có khả năng kích thích thị giác và hoạt động của não bộ. Loại gạch này thường sử dụng cho nhà ở theo phong cách hiện đại hoặc retro.

5. Gạch Kit Kat

Gạch Kit Kat tạo sự sang trọng cho không gian.

Gạch Kit Kat tạo sự sang trọng cho không gian. Ảnh: Combo Home

Gạch Kit Kat hay còn gọi là gạch Mosaic ngón tay với vẻ ngoài dài và mỏng, màu sắc bắt mắt với gam màu xanh nổi bật. Gạch mang tới sự sang trọng, hiện đại cho không gian, kiến trúc và nội thất. Khi được đưa vào trang trí nội thất, nó sẽ làm tăng thêm sự thu hút về mặt thị giác. Gạch có kiểu dáng hình chữ nhật là chính, được ghép lại thành mảng, thuận tiện để vận chuyển, ốp lát, trang trí.

Gạch Kit Kat thích hợp cho nhà theo phong cách hiện đại, retro. Nhưng gạch trang trí làm điểm nhấn có nhiều mẫu mã nên còn có thể được ứng dụng trong nhiều phong cách khác.

6. Gạch Terazzo

Gạch terrazzo ứng dụng làm bàn đảo và ốp bếp.

Gạch terrazzo ứng dụng làm bàn đảo và ốp bếp. Ảnh: Instagram

Gạch terrazzo giải quyết vấn đề nứt chân chim (tình huống xảy ra trên bề mặt tường nhà ở các vùng khí hậu khắc nghiệt). Khi ốp terrazzo lên sàn hay tường, những viên đá nhỏ được mài mịn giúp gia tăng trải nghiệm trong không gian như phòng khách, bếp, phòng ngủ và vệ sinh. Gạch terazzo thích hợp cho nhà hiện đại, retro.

7. Gạch vân xi măng

Gạch vân xi măng ứng dụng ốp tường. Ảnh: International Interior

Gạch vân xi măng ứng dụng ốp tường. Ảnh: International Interior

Tương tự như terrazzo, gạch vân màu xi măng được sử dụng nhiều trong những năm gần đây. Nó là sự lựa chọn cho chủ nhà cá tính với màu xi măng truyền thống nhưng tinh tế. Màu đậm nhạt khác nhau giúp không gian thêm mạnh mẽ, lạnh hơn. Gạch thường dùng cho phong cách hiện đại, retro.

8. Gạch giả đá

Gạch giả đá dùng để phân chia không gian phòng khách với các khu vực khác.

Gạch giả đá dùng để phân chia không gian phòng khách với các khu vực khác. Ảnh: Combo Home

Nhiều nhà máy sản xuất lấy cảm hứng từ đá tự nhiên để tạo nên gạch giả đá, giúp tối ưu chi phí, giữ tinh thần vật liệu tự nhiên trong nhà. Nó có những bề mặt nhám tựa đá nhưng nhẹ và mỏng hơn, giúp giảm chi phí đầu tư với những căn nhà biệt thự hay liền kề sang trọng. Loại gạch này phù hợp cho nhà ở hiện đại, retro.

9. Gạch gốm

Gạch gốm lát nền dễ vệ sinh, tạo sự mộc mạc cho không gian.

Gạch gốm lát nền dễ vệ sinh, tạo sự mộc mạc cho không gian. Ảnh: Combo Home

Gạch gốm được làm từ đất sình nhiều bùn hay đất sét. Đất để làm gạch gốm được thu lọc trong nước kỹ để loại bỏ rác hoặc sạn đá trong đất, sau đó hong cho ráo nước để dễ tạo hình. Với công nghệ sản xuất mới, gạch gốm mang tới nhiều cảm xúc, đa dạng màu sắc, hoa văn lẫn chủng loại. Gạch gốm phù hợp phong cách Morocco hoặc country style...

Nguồn: ST.


Bài viết cùng danh mục: